BACK TO TOP
Thánh Nhân cầu "Tâm" chẳng cầu "Phật" , Phàm Nhân cầu "Phật" chẳng cầu "Tâm"... Chẳng biết "Bổn Tâm", "Học Pháp" vô ích !
Home » , » Kinh Nhân Duyên Chẳng Ăn Thịt Do Tâm Từ Của " Nhất Thiết Trí Quang Minh Tiên Nhân "

Kinh Nhân Duyên Chẳng Ăn Thịt Do Tâm Từ Của " Nhất Thiết Trí Quang Minh Tiên Nhân "

Written By Bạch Dương Thâu Viên on Monday, April 24, 2017 | 11:11 PM


   Kinh Nhân Duyên Chẳng Ăn Thịt Do Tâm Từ Của " Nhất Thiết Trí Quang Minh Tiên Nhân "
   ( Chính là tiền thân của Phật Di Lặc sau này )



   Tôi nghe như vậy. Một thời Đức Phật trụ tại tịnh xá Tự Tại Thiên Từ ở thôn Di Gia Nữ, Đạo Trường Tịch Diệt thuộc nước Ma Già Đề. Lúc bấy giờ có người con của vị Bà La Môn Ca Ba Lợi (Kalpali) tên là Di Lặc (Maitreya) có thân thể màu vàng ròng với 32 tướng 80 vẻ đẹp, phóng ánh sáng bạc xen kẽ tô điểm màu vàng như núi bạc trắng (bạch ngân sơn), uy quang vô lượng, đi đến chỗ của Đức Phật.

   Bấy giờ Đức Thế Tôn cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ Khưu đang Kinh Hành trong rừng. Lại có năm trăm người của Phạm Chí (Bà La Môn) búi tóc, từ xa nhìn thấy Di Lặc có uy nghi an tường, tướng tốt trong sạch, cúi năm vóc sát đất như núi bạc sụp xuống, thành đống hoa vàng với mọi báu xen kẽ rực rỡ. Hoa vàng, đài vàng, bảy báu làm quả trái, ở trong đài các có âm thanh màu nhiệm…rồi nói Kệ rằng:

   “Con thấy Mâu Ni Tôn
   Diện mạo thường thanh tịnh
   Tướng Trăm Phước đặc biệt
   Thế Gian không ai bằng
   Vĩnh sạch phiền não dơ
   Trí Tuệ đều thành mãn
   Một hướng thường quy mệnh
   Thân Tâm không mỏi mệt
   Nên Con cúi năm vóc
   Muốn được Thắng An Lạc
   Thoát khổ không còn sợ
   Kính lễ Thích Ca Văn

   Lúc bấy giờ, các vị Phạm Chí thấy nghe việc này, liền bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Như vị Đồng Tử này có uy nghi an tường, ánh sáng vô lượng cùng với Đức Phật không có khác, ở chỗ của Đức Phật, bắt đầu phát Tâm Đạo, thọ trì Kinh gì ? Nguyện xin Đấng Thiên Tôn vì con giải nói”.

   Đức Phật bảo Phạm Chí Thức Kiền: “Nay ông hãy lắng nghe ! Hãy khéo nghĩ nhớ ! Ta sẽ vì ông phân biệt giải nói, khiến cho ông vui vẻ. Ở thời quá khứ, cách nay vô lượng vô biên A tăng kỳ kiếp, có Thế Giới tên là Thắng Hoa Phu, Đức Phật hiệu là Di Lặc (Maitreya) luôn dùng Tâm Từ, Pháp tứ vô lượng ( từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng, xả vô lượng ), giáo hóa tất cả. Đức Phật ấy nói Kinh tên là Đại Từ Tam Muội Quang Đại Bi Hải Vân, nếu có ai nghe thấy, liền được vượt qua tội sinh tử trong trăm ức vạn kiếp, ắt được thành Phật không có nghi ngờ.

   Lúc bấy giờ trong nước ấy có vị Đại Bà La Môn tên là Nhất Thiết Trí Quang Minh, là bậc thông tuệ nhiều Trí, rộng thông hiểu mọi Kinh, 64 khả năng kỹ nghệ của Thế Gian không có thứ gì chẳng thông thạo. Nghe Đức Phật ra đời, nói Kinh Đại Từ Tam Muội Quang Đại Bi Hải Vân, liền dùng tất cả nghĩa luận của Thế Gian chất vấn Đức Phật ấy nhưng chẳng thể khuất phục được, tức liền tin phục xin làm Đệ Tử của Đức Phật, tìm cầu Tâm A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác) rồi nói lời này:

   “Nay con ở trong Phật Pháp, tụng trì Kinh Đại Từ Tam Muội Quang Đại Bi Hải Vân. Dùng Công Đức này, nguyện ở thời vị lai vượt hơn số Kiếp tính đếm được, ắt thành Phật có hiệu là Di Lặc”. Vậy nên khi ấy rời bỏ nhà, liền vào núi sâu, để tóc dài làm tướng tu hành Phạm Hạnh trong tám ngàn năm, ít ham muốn không có thay đổi, xin ăn để nuôi mạng sống, tụng trì Kinh đó, Nhất Tâm trừ tán loạn.

   Thời đó, Thế Gian có Vũ Tinh ( sao mưa ) xuất hiện, quốc vương hoang dâm, Tuệ Tinh (sao chổi) quét ngang, mưa liên tục chẳng dứt, nước đột ngột dâng cao… Tiên Nhân ngồi ngay thẳng, chẳng đi xin ăn được, trải qua bảy ngày thời trong khu rừng ấy có 500 con thỏ trắng, có một con thỏ vua. Hai mẹ con thỏ vua nhìn thấy Tiên Nhân bảy ngày chẳng ăn, nên nói lời này: “Nay vị Tiên Nhân này vì Phật Đạo cho nên nhiều ngày chẳng ăn, ắt mạng chẳng kéo dài được. Cây Phướng Pháp sắp sụp đổ, biển Pháp sắp khô cạn. Nay Ta sẽ vì Đại Pháp vô thượng, khiến cho Ngài trụ lâu xa, mà chẳng tiếc thân mệnh” , rồi liền bảo các con thỏ rằng : “Tất cả các Hành thảy đều vô thường. Tất cả các pháp thảy đều Vô Ngã. Phàm là chúng sinh đều yêu thương luyến chấp thân mình, tham sống sợ chết, cả đời sống những tháng ngày say sanh mộng tử, chưa từng dùng cái túi da thúi này vì Pháp mà làm những việc ngay chánh. Nay Ta muốn dùng thân thể của mình cúng dường cho vị Pháp sư tu hành trong núi ấy, vì tất cả chúng sinh làm cây cầu lớn khiến cho Pháp trụ lâu, các ngươi cũng có thể tuỳ hỷ.

   Bấy giờ vua thỏ liền vì đám thỏ mà nói Kệ rằng:
   “Nếu có loài Súc Sinh
   Được nghe tên chư Phật
   Vĩnh lìa ba đường ác
   Chẳng sinh chốn tám nạn
   Nếu nghe Pháp phụng hành
   Sinh ra thường gặp Phật
   Tin Pháp không nghi ngờ
   Quy y Hiền Thánh Tăng
   Tùy thuận các Giới Hạnh
   Như vậy mau thành Phật
   Ắt đến Đại Niết Bàn
   Thường nhận vui vô thượng”

   Khi ấy vua thỏ nói Kệ này xong, liền bảo các con thỏ rằng: “Nay Ta đem thân, muốn cúng dường Pháp, các ngươi thích hợp nên mỗi mỗi đều tùy vui. Tại sao thế ? Vì Ta từng ở nhiều Kiếp chôn thân vô số, ba Độc ( tham, sân, si ) đã sai khiến làm hình chim thú, sống không có căn cứ, chết không có căn cứ, chưa từng vì Pháp. Nay Ta muốn vì Pháp vô thượng cho nên vứt bỏ thân mệnh để cúng dường Pháp Sư

   Lúc bấy giờ, vị Thần cây núi liền gom củi thơm lại, rồi nhóm lửa. Mẹ con thỏ vua nhiễu quanh bàn chân của Tiên Nhân đủ bảy vòng, rồi bạch rằng: “Đại Sư ! Nay con vì Pháp, xin cúng dường Tôn Giả”

   Tiên Nhân bảo rằng: “Ngươi là súc sinh, tuy có Tâm Từ muốn vui vẻ cúng dường, nhưng làm sao mà có thể làm như thế ?

   Thỏ thưa với Tiên Nhân: “Con tự đem thân của mình cúng dường Nhân Giả vì muốn Pháp trụ lâu, khiến cho chúng sinh được nhiêu ích

   Nói lời đó xong, liền bảo thỏ con rằng: “ Con ơi ! Ta sắp cúng dường Pháp Sư, con có thể tự mình tìm kiếm cỏ, nước… con nên buộc Tâm suy nghĩ chánh niệm, niệm niệm không rời Tam Bảo”.

   Lúc đó thỏ con nghe điều mẹ đã nói, liền quỳ xuống thưa với mẹ rằng: “Như mẹ đã nói vì Đại Pháp vô thượng nên muốn cúng dường. Con cũng nguyện vui theo.” Nói lời này xong, liền tự nhảy vào trong lửa, thỏ mẹ cũng tùy theo sau nhảy vào. Ngay lúc Bồ Tát buông bỏ thân thì Trời Đất chấn động lớn, cho đến Sắc Giới cùng với chư Thiên đều tuôn mưa hoa Trời đến chỗ của Bồ Tát Vua Thỏ xả thân để cúng dường.

   Sau khi thịt chín thời vị Thần cây núi bạch với Tiên Nhân rằng: “Mẹ con thỏ vua vì cúng dường cho nên ném thân vào trong lửa. Nay thịt đã chín, Ngài có thể ăn” . Bấy giờ, Tiên Nhân ấy nghe vị Thần cây nói, thì buồn bã chẳng nói nên lời, hồi rất lâu mới bình phục tâm trở lại. Tiên Nhân gắng kiềm nỗi lòng bi thương, âm thầm không một lời, đem Kinh Đại Từ Tam Muội Quang Đại Bi Hải Vân Kinh từng câu từng chữ viết lên lá cây, viết xong rồi lại nói Kệ rằng:

   “ Chẳng thà thiêu thân móc con mắt
   Chẳng nỡ giết hại, ăn chúng sanh
   Kinh Từ Bi Chư Phật đã thuyết
   Trong Kinh nói người thực hành Từ
   Thà phá xương tủy đầu rơi rụng,
   Chẳng nỡ nuốt thịt, ăn chúng sanh
   Như Phật đã nói kẻ ăn thịt
   Người này hành Từ chẳng đầy đủ
   Thường bị đoản mệnh, thân nhiều bệnh
   Mê đắm sinh tử, chẳng thành Phật”

   Khi Tiên Nhân ấy nói Kệ này xong, nhân đây phát lời Thề rằng:Nguyện Ta đời đời chẳng khởi niệm giết hại chúng sanh, luôn đời đời kiếp kiếp chẳng ăn nuốt thịt chúng sanh, thường vào Bạch Quang Minh Từ Tâm Tam Muội mãi cho đến thành Phật, đặt ra giới cấm không ăn thịt ” . Nói dứt lời này xong, tự ném mình vào trong lửa, cùng với thỏ xả thân bỏ mạng.

   Lúc đó Trời Đất chấn động theo sáu cách. Do sức của Thiên Thần cho nên cây phóng ra ánh sáng màu vàng ròng rực rỡ chiếu soi hàng ngàn cõi nước. Lúc bấy giờ, những người dân trong nước ấy thấy ánh sáng màu vàng ròng phát ra từ cây trên núi, liền lần theo ánh sáng đi đến, đã thấy Tiên Nhân cùng với hai con thỏ chết ngay trong lửa. Họ thấy bài Kệ đã nói và kèm được Kinh Phật, nên cầm lấy quay về dâng lên Đức Vua. Đức vua nghe Pháp này, liền truyền bá lưu hành, khiến cho người nghe được việc này đều phát Đạo Tâm Chánh Chân Vô Thượng”

   Đức Phật bảo Thức Kiền: “Nay ông nên biết ! Vua thỏ trắng thời ấy, hiện nay là thân Ta Thích Ca Văn Ni Phật. Thỏ con đó nay là La Hầu La. Tiên Nhân tụng kinh đó nay là người con Bà La Môn ở trong Chúng này, là Di Lặc Bồ Tát Ma Ha Tát. Sau khi Ta vào Niết Bàn 56 ức vạn năm, (Di Lặc) sẽ ở cõi nước của Chuyển Luân Thánh Vương Nhương Khư ngồi tại tòa Kim Cương trong vườn Hoa Lâm dưới cây Bồ Đề Long Hoa được thành Phật Đạo, chuyển bánh xe Pháp màu nhiệm. Năm trăm con thỏ đó nay là 500 vị Tỳ Khưu thuộc nhóm Ma Ha Ca Diếp. Hai trăm năm mươi vị Thần cây núi đó là 250 vị Tỳ Khưu thuộc nhóm Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên. Một ngàn vị quốc vương đó là 1000 vị Bồ Tát thuộc nhóm Bạt Đà Bà La. Các người dân trong cõi nước của vị vua ấy được nghe Kinh, từ khi Ta ra đời cho đến Lâu Chí, ở khoảng trung gian ấy là Đệ Tử thọ Pháp đắc Đạo vậy

   Đức Phật bảo Thức Kiền: “Bồ Tát cầu Pháp, siêng năng cực khổ trải qua nhiều Kiếp chẳng tiếc thân mệnh. Tuy lại theo sự báo ứng, thọ nhận thân súc sinh nhưng thường vì Pháp chẳng tiếc thân mệnh, nhảy vào hầm lửa, dùng thân cúng dường, liền được vượt qua tội sinh tử trong trăm vạn ức kiếp. Vậy nên sớm thành tựu bồ đề trước vô lượng vô số chư Phật, sớm được thành Phật Đạo trước Bồ Tát Di Lặc. Các ông đã đắc được thân người, vì sao các ông chẳng siêng năng cực nhọc tu hành, chẳng vì Pháp mà làm một chút gì đó ?

   Đức Phật nói lời ấy thời 500 vị Phạm Chí thuộc nhóm Thức Kiền cầu xin Đức Phật cho xuất gia Đức Phật nói : “Lành thay !” thì râu tóc tự rơi xuống, liền thành Sa Môn. Đức Phật vì họ nói Pháp, đột nhiên Ý hiểu biết, thành A La Hán. Tám vạn chư Thiên cũng phát Tâm a Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề. Lúc bấy giờ Đại Chúng trong Hội nghe điều Đức Phật đã nói, mỗi mỗi đều xưng tán chỗ Hành của Bồ Tát.

   Xá Lợi Phất bạch Phật rằng: “Khi bị Tiên Nhân ấy nhảy vào hầm lửa xong thì được sinh về chốn nào?

   Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Khi vị Tiên Nhân ấy nhảy vào hầm lửa xong thì sinh ở Phạm Thế, khắp vì tất cả chúng sanh nói Pháp Đại Phạm, mãi cho đến khi thành Phật chuyển bánh xe Đại Phạm, Kinh Điển đã nói cũng có tên là Từ Tâm Tam Muội Quang Đại Bi Hải Vân, đã đặt ra giới luật rằng: Người chẳng thực hành Từ Bi thì gọi là người phạm Cấm, người ăn thịt thì phạm vào Trọng Cấm, người ấy chết rồi đoạ vào địa ngục, thân sau sinh ra thường uống nước đồng nóng bỏng… Còn về tình hình vị Tiên Nhân ấy thành Phật thì đã nói rõ trong Kinh “ Di Lặc Bồ Tát Hạ Sinh ” .

   Tôn Giả A Nan nghe điều Đức Phật đã nói, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ gối phải sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, chéo bàn tay, quỳ thẳng lưng rồi bạch Phật rằng: “Thế Tôn ! Giới pháp mà Di Lặc thành Phật đã nói lấy Tâm Từ đặt ra sự chẳng ăn thịt, nếu có người vi phạm thì là phạm vào Trọng Cấm, thật là đặc biệt !

   Lúc bấy giờ Đại Chúng trong Hội khác miệng đồng âm, đều cùng nhau khen ngợi Giới chẳng ăn thịt của chúng sinh trong nước ấy “Nguyện sinh về nước ấy”. Đức Phật đều thọ ký sẽ được vãng sinh.

   Tôn Giả A Nan lại bạch Phật rằng: “Nên dùng tên nào gọi Kinh này ? Thọ trì như thế nào?

   Đức Phật bảo A Nan: “Thiết yếu của Pháp này có tên là Bồ Tát Bạch Thỏ Vương (vua thỏ trắng) chẳng tiếc thân mệnh vì Đạo vô thượng, cũng có tên gọi là Kinh Nhân Duyên chẳng ăn thịt do Tâm Từ của Nhất Thiết Trí Quang Minh Tiên Nhân. Như vậy mà thọ trì

   Tôn Giả A Nan cùng với các vị Tỳ Khưu nghe điều Đức Phật đã nói thì đều vui vẻ tín thụ phụng hành.

   Phụ Chú:
   Từ đấy về sau, mãi cho đến khi Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thế, vị Tiên Nhân lại hạ sanh ở gia đình Bà La Môn thuộc nam thiên trúc, do sự chiêu cảm của nguyện lực kiếp trước, nên cũng gọi là Di Lặc. Do sự chiêu cảm của luỹ kiếp tu tâm Từ, mẹ của ngài xưa nay vốn dĩ bẩm tánh không ôn lương, thế nhưng từ sau khi mang thai Di Lặc trong bụng thì tánh tình lại trở nên vô cùng nhân từ dịu dàng, đối với tất cả mọi chúng sanh khổ nạn đều thường sanh tâm bi mẫn thương xót, yêu thương chăm lo cho họ giống như con của chính mình vậy.

   Đương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật sẽ thành đạo thuyết pháp 3 hội dưới gốc cây Long Hoa. Kinh điển mà ngài nói cũng tên là Đại Từ Tam Muội Quang Đại Bi Hải Vân Kinh, cũng đặc biệt định sẵn trong Giới Pháp của ngài : Kẻ chẳng hành Từ thì gọi là người phạm giới. Người ăn thịt thì phạm trọng giới, thân sau sinh ra thường uống nước đồng nóng bỏng.

   Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói với đại chúng rằng : “ Pháp Vương Tử Bồ Tát Di Lặc, từ lúc phát tâm ban đầu chẳng ăn thịt, do nhân duyên này mà tên gọi là Từ Thị, vì muốn thành tựu các chúng sanh cho nên ở cung trời thứ 4 Đâu Suất, ngày đêm tứ thời thuyết pháp hành bất thoái chuyển. Ta nay phó chúc cho Di Lặc, trong hội Long Hoa được giải thoát, các thiện nam tử thời mạt pháp, bố thí nắm cơm cho chúng sanh, do thiện căn này gặp Di Lặc, nên được đạo bồ đề rốt ráo.

0 comments :

Powered by Blogger.